Quy luật 20 – 40 – 60: người ta chả quan tâm đến bạn như bạn nghĩ đâu

Quy luật 20 – 40 – 60: người ta chả quan tâm đến bạn như bạn nghĩ đâu

Hãy cùng tìm hiểu về quy luật 20 – 40 – 60 để thấy rằng: thật ra người đời chẳng quan tâm đến bạn nhiều như bạn nghĩ đâu!

Chúng ta để ý quá nhiều về việc người khác có đang nghĩ gì về mình không, họ có đang nhìn chằm chằm vào cơ thể của mình hay những gì ta nói có thực sự tạo được ảnh hưởng tới họ không. Chắc là không, hoặc ít nhất không nhiều như chúng ta vẫn nghĩ.

Quy luật 20 – 40 – 60: người ta chả quan tâm đến bạn như bạn nghĩ đâu

Câu chuyện của tôi

Tôi lừng chừng trước cửa phòng gym tới 10 phút mới dám bước vào đăng ký buổi tập đầu tiên. “Đông người quá”. Cảm tưởng như tất cả mọi người đều đang nhìn về phía mình, vì cơ thể mình quá đẫy đà, vì mình là người mới, vì trông mình khá lúng túng hoặc chỉ vì mình… không phải là họ.

Buổi tập đầu tiên cứ trôi qua trong sự căng thẳng tinh thần như vậy. Tuần đầu, tháng đầu trôi qua, dù cơ thể tôi chưa có cải thiện gì đáng kể, tôi nhận ra một điều: Không có ai thực sự nhìn và quan tâm tới mình.

Ở tuổi gần 30, tôi nhận ra sự thật đó có phần nhanh hơn. Tôi nhớ nỗi sợ ấy cứ ám ảnh mình suốt những năm 20, không phải trong phòng tập gym mà ở khắp nơi: Bộ quần áo ta mặc khi lên giảng đường, bài phát biểu tôi nói trong lễ tốt nghiệp hay cả bức ảnh đầu tiên tôi không mặc áo khi đi tập gym. Những ánh mắt hữu hình và vô hình, có phải đều đang xoáy sâu vào cơ thể, những điều ta nói hay hành động ta thực hiện?

Quy luật 20 – 40 – 60 là gì?

Nữ diễn viên Shirley MacLaine từng đề cập tới quy luật 20 – 40 – 60: “Ở tuổi 20, chúng ta không ngừng lo lắng xem người khác nghĩ gì về mình. Ở tuổi 40, bạn thức dậy và tự nhủ, ‘Tôi không quan tâm mọi người nghĩ gì hết’. Đến khi 60 tuổi, chúng ta nhận ra: Từ đầu, chả ai để ý tới mình đâu.

Và thực ra là, ngay từ đầu, không ai quan tâm bạn nhiều đến thế”.

Sếp của bạn không quan tâm quá nhiều đến bạn là ai mà chủ yếu đến công việc bạn hoàn thành. Lũ bạn học cũng chẳng bận tâm xem bạn mặc gì, phát biểu gì trong giờ học – có chăng thì chỉ trong thời gian rất ngắn. Những người đang miệt mài trong phòng tập gym chỉ quan tâm tới cơ thể của chính họ chứ ai buồn có thời gian để nhìn xem bạn là ai, người bạn ra sao. Tất cả là một thế giới được tưởng tượng trong đầu bạn: Bạn lo lắng người khác nghĩ gì về mình và tự huyễn rằng họ thực sự đang nghĩ về bạn nhiều tới mức ám ảnh.

Khoan đã, dừng lại ở đây một chút: Có phải thế giới này đều quá thờ ơ với nhau và quy luật 20 – 40 – 60 này là chuẩn mực cho một lối sống lạnh nhạt khi ta biết rằng thực sự không có ai quan tâm đến mình?

Không có quy tắc nào mang tính tuyệt đối và quy luật 20 – 40 – 60 cũng vậy. Trên thực tế, vẫn có người thân thiết quan tâm đến bạn, nghĩ về cảm xúc của bạn, để ý tới lời nói và hành động của bạn. Chỉ là…

Họ không biết sẽ phải tương tác như thế nào

Tôi từng nói chuyện với một người bạn bị trầm cảm. Những ngày mùa đông ủ ê kéo dài của Hà Nội thường khiến nhiều người khó có thể thích ứng với cảm xúc cá nhân. Thời điểm đó cũng là lúc giãn cách xã hội lần thứ mấy tôi không nhớ ở thành phố. Thiếu tiếp xúc với con người, mắc kẹt trong vùng cảm xúc tiêu cực của bản thân, những bức bối cảm xúc cần được giải tỏa là điều dễ hiểu.

Tôi có thể hình dung bạn tôi đang căng thẳng như nào chỉ nhìn vào những tin nhắn tuôn ra rất nhanh mà tôi chưa kịp phản hồi. Tôi im lặng. Tôi bất lực trước những bất lực tinh thần của bạn tôi, đơn giản vì tôi không hiểu. Sự im lặng kéo dài của tôi khiến bạn tôi lơ lửng chữ “typing…” mãi không dứt. Tôi sợ cậu sẽ nói: “Cậu không quan tâm đến mình à?”. Tôi thở phào khi “typing…” biến mất, trả lại sự im lặng và xấu hổ trong tôi.

Tôi có quan tâm đến cảm xúc của bạn mình, chỉ là tôi không biết phản ứng như nào hay nói gì với một người đang rơi vào những cảm xúc tiêu cực. Con người dễ dãi với những cảm xúc tiêu cực nhưng nhạy cảm với những điều tiêu cực; chúng ta không có nhiều cơ hội thực hành cách đương đầu với mất mát và tuyệt vọng của bản thân, chưa nói tới những người xa lạ.

Đôi khi, sự thờ ơ chỉ đơn giản là chúng ta không biết phải xử trí như thế nào với một vùng cảm xúc không an toàn.

Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại khiến 20 – 40 – 60 đúng hơn với nhiều người. Mỗi người trẻ có một thế giới riêng và sự giao thoa với cuộc sống của người khác, dù trên khía cạnh tinh thần hay khoảng cách, cũng ít hơn trước đây. Ở một khía cạnh, chúng ta có nhiều vấn đề cá nhân cần quan tâm hơn khi cuộc sống trở nên phức tạp. Ở một khía cạnh khác, chúng ta dè dặt bước vào thế giới của người khác. Internet khiến thế giới phân cực; người trẻ cũng sống trong các luồng tư tưởng khác nhau và đôi khi họ không tìm được điểm giao trong suy nghĩ. Họ bị kéo và đẩy cùng lúc về một cực, để khoảng cách giữa mỗi người ngày càng xa nhau hơn.

bài học cuộc sống, lối sống, quy luật 20 - 40 - 60, tâm lý học, quy luật 20 – 40 – 60: người ta chả quan tâm đến bạn như bạn nghĩ đâu

Với tôi, quy luật 20 – 40 – 60 như lăng kính đa diện để bạn tự điều chỉnh hành vi của bản thân. Khi đối diện với những khoảnh khắc bất định, khi chuẩn bị bước vào phòng gym, khi bạn mặc một chiếc váy yêu thích dù có phần hơi ngắn đi dạo phố hay kể cả khi bạn sắp sửa phát biểu trước đông người, không ai thực sự quan tâm tới những thứ nhỏ nhặt xung quanh bạn. Tất nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc bạn trở nên bất cần, buông tuồng hay luộm thuộm; nó như một lời nhắc nhở rằng bạn hãy quan tâm tới những cảm xúc của bản thân, làm sao để tự tin nhất có thể và thoải mái với chính mình, thay vì quá để tâm đến cảm nhận và suy nghĩ của người khác.

Và ở một góc ngược lại, nếu có lúc nào cảm thấy cô đơn và trống trải, nếu có lúc nào thấy một ai đó không quan tâm tới bạn, nếu không thể chấp nhận rằng có thể họ thực sự không quan tâm đến bạn, hãy nghĩ rằng vì thế giới của mỗi người quá khác nhau để ai đó có thể bước vào.

Đi qua những ngày dài mệt mỏi, đã quá chán với việc một mình mắc kẹt trong thế giới cô độc giữa thành phố đông người, chúng ta nhận ra rằng một quy luật vui vui như 20 – 40 – 60 giúp cuộc sống của chúng ta đơn giản hơn. Nhưng ở một điểm nhìn khác, cuộc sống này không được dựng lên chỉ bởi những con số – chúng ta vốn là con người với cảm xúc, mong muốn được yêu thương, được quan tâm và sẻ chia. Tôi hiểu 3 cột mốc 20 – 40 – 60 là cách để lọc bớt những suy nghĩ tiêu cực thái quá nhưng nếu nhìn một cách máy móc, nó cũng loại đi những giá trị của yêu thương và sự quan tâm. Cuối mỗi ngày đi làm trở về nhà, chúng ta vẫn chờ đợi một tin nhắn hỏi han xem hôm nay làm việc ra sao, có gì vui hay điều gì khiến bạn phiền lòng; chúng ta vẫn muốn có một người kéo vào lòng để hàn huyên những câu chuyện trên trời dưới biển.

Chúng ta vẫn mong muốn được quan tâm. Nhưng là sự quan tâm, chăm sóc từ những người thân yêu.

Có những khoảnh khắc, không ai thực sự quan tâm đến bạn nhưng có không ít thời điểm bạn nhận ra, cả thế giới vẫn ở xung quanh bạn. Hiểu về 3 con số 20 – 40 – 60 để thấy mọi thứ dễ thở hơn nhưng cũng là cách để mỗi người thấy cuộc đời mình vẫn được bồi đắp bởi những giá trị rất con người.

TẠP CHÍ  MENBACK

Đăng bởi: Hải Hồ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *