Tự do chính là… tự kỷ luật

Tự do chính là… tự kỷ luật

Tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì được làm cái đó, tự do chính là dám từ bỏ những điều không quan trọng.

nghề nghiệp, phát triển bản thân, quản trị, tự do chính là… tự kỷ luật

Tự giác kỉ luật, là phương án đầu tiên giúp giải quyết các vấn đề trong cuộc sống

Google có một kĩ sư cao cấp tên Matthew Cutts.

Anh tự đặt ra cho mình kế hoạch thay đổi 30 ngày, mỗi ngày làm một vài việc mà trước kia không thể kiên trì làm.

Chẳng hạn: đi xe đạp tới công ty, mỗi ngày đi 10000 bước, mỗi ngày chụp một bức ảnh, hay viết một cuốn tiểu thuyết hơn 50 ngàn chữ….

Không xem tivi, không ăn đường, không chơi Twitter, từ chối caffein…

Có thể nói kế hoạch này ngập tràn tính thách thức, nếu không tự giác kỉ luật sẽ rất khó có thể hoàn thành.

Nhưng Matthew lại kiên trì được.

Sau 30 ngày, chàng kĩ sư mập mạp suốt ngày chỉ thích ngồi đã biến mất, anh bắt đầu thực sự yêu thích việc đạp xe đi làm, thậm chí đã hoàn thành chuyến đi bộ đường dài trên đỉnh núi cao nhất ở Châu Phi, Núi Kilimanjaro.

Các nhà tâm lý học từng tổng kết ra được quy luật như sau:

Giai đoạn đầu của tự giác kỉ luật là hưng phấn, giai đoạn giữa là nỗi đau và giai đoạn sau là hưởng thụ.

Nhưng bạn có phát hiện ra, phần lớn mọi người đều mắc kẹt ở giai đoạn giữa quá lâu, đến mức khiến họ dần dần coi tự giác kỉ luật là một cực hình.

Khi bạn tự giác kỉ luật đến cực hạn, bạn sẽ phát hiện ra: tự giác kỉ luật có thể đem lại sự thanh bình và hưởng thụ xuất phát từ tận sâu bên trong.

Bởi lẽ bạn biết, bản thân đang thay đổi từng ngày từng ngày, và tự giác kỉ luật từ lúc nào cũng đã trở thành một thói quen thấm sâu vào máu thịt không hay.

Khi bạn bị “cảm xúc”, “lười biếng” và “ham muốn” chiếm cứ, bạn có thể sẽ sống trong sự rối loạn, sống trong sự cảm tính và thậm chí không thể kiểm soát được cuộc sống của chính mình.

Bây giờ chúng ta sẽ bàn đến câu chuyện quản trị/quản lý.

Có một sự thật lạ lùng trong công tác quản lý: để nhân viên tự quản lý mình sẽ tốt hơn là sếp phải quản lý họ.

Một nhân sự mới đây về làm việc cùng tôi, sau khi được hướng dẫn tự viết mục tiêu của mình và công thức check-in (kiểm tra công việc) PPP, bạn ấy đã nói thế này: ước gì em biết được cách làm việc này từ lâu, em vốn đã phải rất vất vả khi quản lý nhân viên, em không hề biết rằng nếu để nhân viên tự quản lý mình cũng có thể hiệu quả. Hoá ra làm Sếp có thể rảnh đến vậy.

PPP nghĩa là Progress, Problem và Plan (Những gì đã làm, Vấn đề xảy ra, Kế hoạch để giải quyết vấn đề).

Gần như 100% các sếp chưa từng Quản Trị Đúng khi nghe về “tự quản lý” đều thấy rằng đây là điều khó hiểu, phi thực tế.

Với trải nghiệm của tôi với hàng trăm công ty đã và đang làm Quản trị mục tiêu, OKR… (với hàng chục nghìn nhân viên của họ) thì Tự Quản là hoàn toàn khả thi.

Đúng như đoạn trích dẫn ở trên, việc để cho nhân viên tự quản sẽ có các giai đoạn (từ chính nhân viên):

  • Hoang mang vì họ chưa từng tự quản bản thân mình bao giờ)
  • Hào hứng vì cảm thấy được tự do vì không có sự ép buộc
  • Hoảng hốt vì không ngờ việc tự quản lý lại khiến bản thân dễ thoả hiệp và từ bỏ như thế (phải dành nhiều năng lượng tự quản bản thân hơn là việc có sếp “soi” mình)
  • Hưng phấn khi nhìn thấy thành quả của sự tự giác, khi đã loại bỏ áp lực của việc quá nhiều mục tiêu, quá nhiều công việc không tên
  • Hưởng thụ sự tự do khi biết mình cần làm gì và không còn phải lo lắng rằng liệu mình có đang còn điều gì bỏ xót hay không

Khi một nhân viên tự mình tạo ra mục tiêu của bản thân (hướng tới góp phần hoàn thành mục tiêu của cấp trên) và để họ tự do kèm một chút khuôn khổ (check-in hàng tuần), bạn sẽ chứng kiến người nhân viên đó trở nên mạnh mẽ hơn nhiều lần so với việc kiểm soát thái quá.

Những điều tôi nói không chỉ lạ lùng với những người quản lý, còn lạ lùng ngay cả với nhân viên, bởi chúng ta đã quá quen với việc sống trong sự thúc ép, từ nhỏ tới lớn!

Thế giới của những người tự quản bản thân mình, hoá ra lại là thế giới của những người tự do.

Nhân viên của những công ty mà tôi nói ở trên, sau thời gian đầu vất vả tự quản bản thân mình với một chút sự trợ giúp của sếp, họ đã có cuộc sống rảnh rang hơn, nhiều thời gian cho riêng mình hơn để giải lao, để nghỉ ngơi.

Những người nhân viên đó, ban đầu có thể khó chịu, mệt mỏi với sự tự kỷ luật, nhưng khi đã thành thói quen, mọi thứ trong công việc diễn ra suôn sẻ mà không cần bất kỳ sự gồng mình nào, nếu có chỉ là khi họ tự đặt ra các mục tiêu thách thức, họ sẽ phải nỗ lực hơn mà thôi (trong một tâm trạng hưng phấn).

Nhiều người thấy rằng lịch làm việc của tôi kín mít, tỏ ra ái ngại vì tôi không có sự tự do. Tôi trả lời rằng, thật ra tôi cảm thấy tự do, vì ngoài những lịch công việc, thời gian trống còn lại tôi được relax hoàn toàn. Và khi tôi đã xếp lịch để đi đâu đó nghỉ ngơi, tôi sẽ hoàn toàn nghỉ ngơi mà không cần phải nghĩ ngợi gì tới công việc.

Tự do, nghĩa là không muốn làm gì, thì sẽ không phải làm!

Đăng bởi: Trịnh Nguyễn Hà Linh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *