Im lặng là vàng, biết đủ thì giàu, khoe khoang rất xấu… là những điều nhiều du khách cho biết Thụy Điển thực sự làm họ ấn tượng khi lần đầu tới thăm.
Luật im lặng và khiêm tốn khiến du khách ấn tượng khi du lịch Thụy Điển
Luật im lặng: Người Thụy Điển có một câu thành ngữ “nói chuyện là bạc, im lặng là vàng”. Do đó, họ thường chọn im lặng làm giải pháp để tránh các cuộc xung đột không cần thiết. Họ cũng thường nói thẳng vào vấn đề, không vòng vo đường dài.
Luật khiêm tốn: Jantelagen (luật Jante) hàm nghĩa về sự khiêm nhường, chống lại sự khoe khoang hay ham hư danh. Một người làm bất kỳ lĩnh vực nào đều có quyền tự hào về thành công của mình, nhưng nếu khoe khoang thái quá sẽ bị coi là làm trái với luật Jante và không được nhiều người hưởng ứng. Ngày nay, luật Jante cũng dần mất đi, nhưng phần lớn người dân nước này vẫn đề cao tính khiêm nhường trong giao tiếp và lối sống.
Fika: Đến Thụy Điển, du khách sẽ bắt gặp bầu không khí Fika ở khắp mọi nơi. Đây là từ dùng để chỉ việc uống cà phê. Nhưng nó không thuộc loại “tàu nhanh” như dân Mỹ thường cầm cốc giấy vừa đi vừa uống, cũng không quá mất thời gian như thưởng trà đạo ở Nhật. Nếu được một người dân Thụy Điển mời đến nhà, chắc chắn bạn sẽ được thưởng thức một cốc cà phê nóng hổi cùng những chiếc bánh nướng giòn tan. Còn ở công sở, Fika sẽ là thời điểm nghỉ giải lao giữa giờ và mọi người sẽ có cơ hội vừa nhâm nhi tách cà phê, vừa trò chuyện cùng nhau.
Quyền tự do vui chơi: Người dân được phép đi bộ, lái xe, trượt tuyết hay cắm trại ở bất kỳ khu vực nào của quốc gia, miễn nơi đó không thuộc tài sản cá nhân, đất trồng trọt hay khu vực bảo tồn và được bảo vệ. Quyền tự do vui chơi này cũng được thực hiện ở một số quốc gia Bắc Âu khác.
Biết đủ thì giàu: Người Thụy Điển sống theo triết lý Lagom – nghĩa là vừa đủ, cân bằng hoặc chia phần đều nhau trong mọi hoàn cảnh, từ thời tiết đến các vấn đề như tiền bạc, tài sản. Với họ, mọi thứ chỉ cần vừa đủ chứ không nên quá thừa thãi.
Cái gì cũng trở thành lễ hội: Không phải thứ nào người dân cũng biến thành cái cớ để tổ chức lễ hội, nhưng họ rất tôn trọng truyền thống lâu đời của mình. Bên cạnh những lễ hội chính thức, người ta cũng hay tổ chức các sự kiện bất thường như ngày hội bánh quế, bánh kem hay những chú tôm…
Mặc khá giống nhau: Dù được biết đến với gu ăn mặc thời trang, phần lớn người dân thích các màu trung tính, trầm hơn là màu sắc sặc sỡ. Do đó khi ra đường, du khách có thể nhìn thấy nhiều người dân ở đây mặc theo đúng một tông màu từ đầu tới chân, và quần áo của ai cũng có màu sắc tương tự người đi cạnh.
Tack: Tack là một từ đa nghĩa, được người dân dùng nhiều. Khi du khách đến Thụy Điển, đây sẽ là một trong những từ bạn nghe nhiều nhất, sử dụng trong vô số hoàn cảnh mà ngữ nghĩa của chúng lại khác nhau. Tack được hiểu là “cám ơn”, lại vừa mang nghĩa “làm ơn”. Khi bạn mua đồ trong cửa hàng, người ta sẽ nói “Tack – mang ý tôi có thể giúp gì bạn”. Khi bạn mua đồ xong, họ cũng nói Tack – và lúc này có nghĩa là “Tạm biệt”.
Theo Vnexpress.net
Đăng bởi: Yến Hải