Việc chủ động đọc văn bản pháp luật giúp bạn đón đầu cơ hội, cũng như chủ động với những rủi ro có thể xảy ra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách tra cứu nội dung và hiệu lực văn bản pháp luật nhanh chóng, chính xác!
- Tra cứu văn bản pháp luật trên website vbpl.vn
- Tra cứu văn bản pháp luật trên ứng dụng Thư viện Pháp luật
Việc tra cứu và đọc văn bản luật giúp chúng ta đạt rất nhiều lợi ích từ việc nắm bắt được các cơ hội từ chính sách pháp luật và chủ động với những rủi ro có thể xảy ra.
Hiệu lực của văn bản luật là chế định rất quan trọng, đó là thời điểm các quyền và nghĩa vụ của cá nhân tổ chức trong các mối quan hệ được thừa nhận và không còn được thừa nhận trên thực tế,… Nếu văn bản quy phạm pháp luật không có hiệu lực, toàn bộ các quy định trong văn bản ấy đều không đảm bảo về pháp lý trên thực tế.
Tra cứu văn bản pháp luật trên website vbpl.vn
Đây là trang web cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia do Bộ Tư pháp quản trị điều hành, nên văn bản luật được cập nhật đầy đủ, nội dung đảm bảo tin cậy, đúng luật. Cách tra cứu như sau:
Bước 1: Truy cập trang web www.vbpl.vn trên trình duyệt, hoặc gõ vào thanh tìm kiếm trên Google với từ khóa “vbpl”, click chọn trang như hình dưới.
Bước 2: Tìm kiếm với từ khóa về văn bản luật cần tra cứu. Ví dụ: “Bộ luật Lao động 2019”, “Luật doanh nghiệp”,…
Hoặc bạn cũng có thể nhập mã hiệu văn bản (chính là số ghi ở góc trên, bên trái tại trang đầu tiên của mỗi văn bản pháp luật) vào ô tìm kiếm.
Sau khi nhập xong, bạn nhấn chọn tên văn bản sau khi kết quả tìm kiếm hiển thị.
Bước 3: Tại đây, bạn có thể tra cứu thông tin văn bản bằng cách chọn vào các mục:
- Toàn văn: Nội dung văn bản.
- Thuộc tính: Cung cấp thông tin số ký hiệu, ngày ban hành, loại văn bản, nguồn thu thập, cơ quan ban hành/chức danh/người ký, phạm vi, ngày có hiệu lực, ngày đăng công báo, thủ tướng, tình trạng hiệu lực, lí do hết hiệu lực, ngày hết hiệu lực.
- Lịch sử: Thông tin về ngày ban hành, ngày có hiệu lực, ngày được bổ sung (nếu có).
- VB liên quan: Đường dẫn về các văn bản liên quan.
- Lược đồ: Hiển thị lược đồ liên quan đến văn bản.
- Bản PDF: Hiển thị văn bản dưới định dạng file PDF.
- Tải về: Tại đây, các file tải về của văn bản sẽ được hiển thị. Bạn nhấp vào tên file để tải về máy.
- Bản in: Hiển thị bản in của văn bản để bạn có thể in ấn.
Tra cứu văn bản pháp luật trên ứng dụng Thư viện Pháp luật
- Tải ứng dụng Thư viện Pháp luật trên iOS Tại đây. Hoặc tìm kiếm trên AppStore với từ khóa “Thư viện Pháp luật”
- Tải ứng dụng Thư viện Pháp luật trên Android Tại đây. Hoặc tìm kiếm trên CH Play với từ khóa “Thư viện Pháp luật”
Bước 1: Sau khi tải và mở ứng dụng trên điện thoại, Máy tính bảng. Tại thanh tìm kiếm, nhập mã hiệu/ tên văn bản bằng cách dùng kí tự hoặc giọng nói > Nhấn chọn tên văn bản sau khi kết quả tìm kiếm hiển thị.
Bước 2: Tại đây, bạn có thể tra cứu thông tin văn bản bằng cách chọn vào các mục:
- Thuộc tính: Cung cấp thông tin về số hiệu, loại văn bản, nơi ban hành, người kí, ngày ban hành, ngày hiệu lực, tình trạng của văn bản.
- Nội dung: Nội dung toàn văn bản.
- Tiếng Anh: Hiển thị bản tiếng Anh của văn bản. Tính năng này chỉ dành cho thành viên hạng Pro của ứng dụng. Để sử dụng, bạn cần đăng nhập và làm theo hướng dẫn để nâng cấp thành viên. Tuy nhiên, khi nâng cấp lên thành viên Pro, bạn sẽ cần phải trả một khoản phí hằng tháng, dao động từ 169.000đ – 109.600đ (tùy theo gói).
- Lược đồ: Hiển thị danh sách các văn bản liên quan đến văn bản hiện tại.
Trên đây là bài viết hướng dẫn cách tra cứu nội dung và hiệu lực văn bản pháp luật nhanh chóng, chính xác. Nếu có bất kì thắc mắc nào, hãy để lại bình luận bên dưới để được giải đáp nhé!
Đăng bởi: Đạt Trần Trọng