Luật cầu lông đơn cơ bản mà bạn cần biết trong thi đấu phong trào và chuyên nghiệp

Luật cầu lông đơn cơ bản mà bạn cần biết trong thi đấu phong trào và chuyên nghiệp

  • 1. Kích thước sân theo luật cầu lông đơn
  • 2. Phạm vi giao cầu và nhận cầu
  • 3. Cách bắt đầu một trận đấu cầu lông đơn
  • 4. Cách tính điểm trong luật cầu lông đơn
  • 5. Đổi sân khi thi đấu cầu lông đơn
  • 6. Cách ghi điểm và thứ tự giao cầu

Trong cầu lông thi đấu chuyên nghiệp quốc tế cũng như thi đấu cầu lông phong trào tại Việt Nam, đa số người chơi thi đấu theo hình thức đánh đôi với 4 người trên sân. Tuy nhiên bạn có biết ngoài hình thức đánh đôi còn có hình thức thi đấu đánh đơn chỉ với 2 người trên sân? Bài viết sau đây sẽ giới thiệu với các bạn hình thức thi đấu cầu lông đơn cũng như giải thích cho các bạn luật cầu lông đơn chi tiết nhất.

1. Kích thước sân theo luật cầu lông đơn

Điểm khác biệt đầu tiên so với cầu lông đôi là kích thước sân thi đấu. Theo luật cầu lông đơn do Liên đoàn Cầu lông Quốc tế BWF quy định, sân cầu lông đơn có kích thước: – Chiều dài 13.4m – Chiều rộng: 5.18m – Độ dài đường chéo: 14.3m
Ngoài ra các quy định về đường kẻ biên, chiều cao lưới giống với quy định trong cầu lông đôi.

luật cầu lông đơn cơ bản mà bạn cần biết trong thi đấu phong trào và chuyên nghiệp

2. Phạm vi giao cầu và nhận cầu

Theo luật cầu lông đơn, phạm vi giao và nhận cầu trong đánh đơn được giới hạn bởi đường trung tâm, vạch giao cầu ngắn, đường biên dọc phía trong và vạch giao cầu dài (cũng chính là đường biên ngang cuối sân). Mỗi phần sân sẽ được chia làm 2 nửa trái phải. Khi giao hoặc nhận cầu, người chơi sẽ đứng ở 1 trong 2 vị trí nửa bên trái hoặc nửa bên phải, tùy thuộc vào điểm số hiện có của người giao cầu. Người nhận cầu sẽ đứng ở phần sân đối diện chéo nhau so với người giao cầu. Cả 2 người chơi khi giao nhận cầu không được đứng chạm đường biên. Nếu người giao cầu có điểm số chẵn (0, 2, 4, 6, 8,…), họ sẽ thực hiện giao cầu ở nửa phần sân bên phải trên sân của mình. Người nhận cầu sẽ thực hiện nhận cầu ở nửa phần sân bên phải trên sân của mình. Nếu người giao cầu có điểm số lẻ (1, 3, 5, 7,…), họ sẽ thực hiện giao cầu ở nửa phần sân bên trái trên sân của mình. Người nhận cầu sẽ thực hiện nhận cầu ở nửa phần sân bên trái trên sân của mình.
Theo luật thi đấu cầu lông đơn cũng như cầu lông đôi, một khi vợt bắt đầu chuyển động về phía sau người giao cầu, bất kỳ trì hoãn nào cho việc giao cầu được xem là bất hợp lệ. Khi giao cầu, vợt phải đặt thấp hơn hoặc bằng 1.15m tính từ mặt sân trở lên. Khi đánh cầu, thân vợt của người giao cầu phải luôn hướng xuống dưới. Vợt của người giao cầu phải chuyển động liên tục từ lúc bắt đầu giao cầu cho đến lúc đánh đi. Đường đi của cầu sẽ từ dưới vượt qua lưới và rơi vào ô người nhận cầu.

luật cầu lông đơn cơ bản mà bạn cần biết trong thi đấu phong trào và chuyên nghiệp

3. Cách bắt đầu một trận đấu cầu lông đơn

Trong thi đấu cầu lông chuyên nghiệp, trước khi trận đấu bắt đầu, trọng tài sẽ tiến hành tung đồng xu để xác định vị trí đứng trên sân của hai người chơi cũng như bên giao cầu trước. Người chọn đúng mặt đồng xu sẽ được quyền quyết định: – Bên nào sẽ là bên giao cầu trước – Phần sân thi đấu ở ván đầu tiên Người còn lại sẽ nhận được các lựa chọn còn lại.
Trong cầu lông phong trào hoặc thi đấu giao lưu, khi không có người đảm nhận vị trí trọng tài, ta có thể dùng nhiều cách khác để phân định quyền lựa chọn hoặc 2 bên có thể tự thỏa thuận với nhau.

luật cầu lông đơn cơ bản mà bạn cần biết trong thi đấu phong trào và chuyên nghiệp

4. Cách tính điểm trong luật cầu lông đơn

Cũng như trong thi đấu cầu lông đôi chuyên nghiệp, một trận đấu cầu lông đơn sẽ diễn ra theo thể thức đấu 3 ván thắng 2. Điểm ban đầu là 0-0, bên nào ghi được 21 điểm trước sẽ là người chiến thắng ván đấu đó. Một bên sẽ ghi thêm 1 điểm vào tổng điểm của mình khi quả cầu chạm vào mặt sân bên phía đối thử do đối thủ không thể đánh trả hoặc đối thủ phạm lỗi khi đánh trả. Trong trường hợp điểm số 2 bên là 20-20, bên nào ghi được 2 điểm cách biệt trước (ví dụ 22-20, 23-25,…) sẽ chiến thắng ván đấu đó. Trong trường hợp điểm số 2 bên là 29-29, bên nào ghi được 30 sẽ là bên giành chiến thắng.
Theo luật cầu lông đơn, người giành chiến thắng ở ván đấu trước sẽ là người giao cầu trước ở ván đấu tiếp theo.

luật cầu lông đơn cơ bản mà bạn cần biết trong thi đấu phong trào và chuyên nghiệp

5. Đổi sân khi thi đấu cầu lông đơn

Trong quá trình thi đấu, 2 người chơi sẽ đổi sân cho nhau tại các thời điểm: – Sau khi kết thúc ván đấu đầu tiên. – Sau khi kết thúc ván đấu thứ 2 với tỷ số chung cuộc là hòa, 2 bên phải tiến hành ván đấu thứ 3. – Trong ván đấu thứ 3, một trong 2 bên ghi được điểm 11 trước.
Việc đổi sân được thực hiện khi pha cầu đã kết thúc, 2 bên được phép nghỉ giữa trận trước khi bắt đầu pha cầu tiếp theo sau khi đổi sân.

6. Cách ghi điểm và thứ tự giao cầu

Theo luật cầu lông đơn, trong một pha cầu 2 người chơi sẽ thay phiên nhau đánh vào quả cầu từ phía sân của mình, cho đến khi pha cầu kết thúc và 1 bên ghi được điểm. Nếu người giao cầu thắng pha cầu, cả người giao cầu và người nhận cầu sẽ đổi khu vực đúng trên sân cảu mình và người giao cầu sẽ tiếp tục giao cầu ở pha cầu tiếp theo.
Nếu người nhận cầu thắng pha cầu, người nhận cầu sẽ giao cầu ở pha cầu tiếp theo, vị trí đứng của 2 bên sẽ tùy thuộc vào điểm số hiện có của người giao cầu ở pha cầu kế tiếp.

Đăng bởi: Tài Lê

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *