Trong thời gian vừa qua, Miền Trung Việt Nam phải chịu nhiều mất mát bởi bão lũ, thiên tai. Nhân dân ta đã đồng cam cộng khổ và thể hiện tinh thần dân tộc cao độ qua nhiều hình thức giúp đỡ, từ thiện. Vậy pháp luật có quy định về hoạt động từ thiện không? Hãy đọc các quy định dưới đây để quyên góp tiền từ thiện của mình đúng cách và hiệu quả nhất nhé!
- Từ thiện “trá hình”, “trục lợi” sẽ có các hình thức xử lý như thế nào?
- Các hành vi bị nghiêm cấm khi thành lập và tổ chức các hoạt động của quỹ
- Cá nhân tổ chức nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập quỹ
- Quỹ từ thiện là gì?
- Các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ
- Các hành vi bị nghiêm cấm khi từ thiện
- Khi nào được tổ chức vận động đóng góp ủng hộ?
- Cá nhân có được vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp từ thiện?
Từ thiện “trá hình”, “trục lợi” sẽ có các hình thức xử lý như thế nào?
Về xử phạt hành chính, trường hợp quyên góp tiền của người khác với lý do làm từ thiện nhưng lại không dùng khoản tiền đó cho mục đích từ thiện hoặc gom tiền bỏ trốn nhằm chiếm lấy để tiêu xài cho bản thân, căn cứ điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP “Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng; áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu số tiền đã quyên góp được.
Với hành vi mạo danh người khác để đăng thông tin kêu gọi quyên góp từ thiện trên các phương tiện thông tin điện tử nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền đó thì có dấu hiệu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (điều 174 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017). Tuy nhiên, đây là loại tội phạm có cấu thành vật chất nên buộc phải có thiệt hại về tài sản. Nếu hành vi gian dối bị phát hiện trước khi người bị lừa giao tài sản hoặc người bị lừa không phát hiện ra hành vi gian dối nhưng không thực hiện việc giao tài sản thì không cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong trường hợp này thì có thể bị xử phạt VPHC về hành vi giả mạo Facebook, giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân (điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP). Mức phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự, tội phạm hoàn thành được xác định từ lúc kẻ phạm tội chiếm giữ được tài sản. Để có căn cứ xử lý hình sự đối tượng mạo danh người khác kêu gọi góp tiền từ thiện nhằm mục đích trục lợi, cần có chứng cứ chứng minh người bị lừa đã chuyển tối thiểu 2 triệu đồng vào tài khoản cho đối tượng, dưới 2 triệu đồng thì phải xét thuộc những trường hợp được liệt kê tại điều 174 Bộ Luật Hình sự. Việc chuyển tiền có thể chứng minh bằng các tin nhắn chuyển tiền điện tử hoặc sao kê của ngân hàng… Người phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Từ thiện “trá hình”, “trục lợi” sẽ có các hình thức xử lý như thế nào?
Các hành vi bị nghiêm cấm khi thành lập và tổ chức các hoạt động của quỹ
Nghiêm cấm lợi dụng việc thành lập và tổ chức các hoạt động của quỹ để thực hiện các hành vi sau:
- Làm ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng; gây phương hại đến lợi ích quốc gia, an ninh, quốc phòng, khối đại đoàn kết dân tộc.
- Xâm hại đạo đức xã hội, thuần phong, mỹ tục, truyền thống, bản sắc dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo.
- Tư lợi, gian dối về tài chính trong quá trình thành lập quỹ và quỹ hoạt động.
- Rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hoạt động trái pháp luật.
- Làm giả, tẩy xóa, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn, cầm cố, thế chấp giấy phép thành lập quỹ dưới bất kỳ hình thức nào.
- Sử dụng ngân sách nhà nước, sử dụng hoặc hỗ trợ tài sản được ngân sách nhà nước giao hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để tham gia góp tài sản thành lập quỹ.
Các hành vi bị nghiêm cấm khi thành lập và tổ chức các hoạt động của quỹ
Cá nhân tổ chức nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập quỹ
Cá nhân, tổ chức nước ngoài được góp tài sản cùng công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập quỹ ở Việt Nam phải thỏa mãn các điều kiện sau:
a) Phải có cam kết nộp thuế và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của tài sản đóng góp;
b) Cam kết thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật Việt Nam và mục đích hoạt động của quỹ;
c) Có tài sản đóng góp thành lập quỹ là: tiền đồng Việt Nam, tài sản được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam (bao gồm: Hiện vật, ngoại tệ, giấy tờ có giá, các quyền tài sản khác)
Cá nhân tổ chức nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam để thành lập quỹ
Quỹ từ thiện là gì?
Theo Khoản 3, Điều 4, Nghị định 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2019 về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện thì:
Quỹ từ thiện: Là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận. Các Quỹ phải được thành lập và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, tự nguyện, tự chủ, tự trang trải và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của mình, tổ chức, hoạt động theo quy định của pháp luật và điều lệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Đặc biệt phải công khai, minh bạch về tổ chức, hoạt động và thu, chi tài chính, tài sản của quỹ.
Quỹ từ thiện là gì?
Các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ
Theo Điều 5 Nghị định số 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ: Về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, các tổ chức, đơn vị sau được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ:
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
- Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
- Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
- Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.
- Đối với các cơ quan, tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ của tập thể, cá nhân thuộc đơn vị mình đóng góp để cứu trợ đồng bào, các địa phương bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này.
Các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ
Các hành vi bị nghiêm cấm khi từ thiện
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo:
- Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo.
- Báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp.
- Lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi.
Các hành vi bị nghiêm cấm khi từ thiện
Khi nào được tổ chức vận động đóng góp ủng hộ?
Việc tổ chức vận động đóng góp ủng hộ khắc phục khó khăn chỉ thực hiện khi thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra làm thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân.
Các tổ chức vận động đóng góp giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được thực hiện theo từng trường hợp cụ thể thông qua việc tuyên truyền, kêu gọi ủng hộ của các cơ quan thông tin đại chúng.
Việc đóng góp tiền, hàng khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng; giúp đỡ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện với lòng hảo tâm; các cơ quan, tổ chức không tự đặt ra mức huy động đóng góp tối thiểu để ép buộc người dân thực hiện.
Khi nào được tổ chức vận động đóng góp ủng hộ?
Cá nhân có được vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp từ thiện?
Theo nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, “cá nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng” (theo Khoản 2, Điều 3 Bộ luật dân sự 2015). Trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật thì không có quy định nào cấm cá nhân không được đứng ra vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp từ thiện. Hoạt động từ thiện của cá nhân giao cho một cá nhân khác cũng giống như một thỏa thuận giữa hai bên, người thực hiện từ thiện trực tiếp phải làm đúng theo những gì mà mình đã kêu gọi.
Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5 Thông tư 72/2008/BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 64/2008/CP thì cá nhân được hỗ trợ trực tiếp cho các nạn nhân, gia đình nạn nhân, các đối tượng bảo trợ xã hội cần sự giúp đỡ. Ban Cứu trợ có trách nhiệm hướng dẫn để các cá nhân đó chuyển trực tiếp số tiền, hàng cứu trợ đến các đối tượng theo yêu cầu của các cá nhân cứu trợ.
Cá nhân có được vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp từ thiện?
Trên đây là các quy định pháp luật về hoạt động từ thiện. Hi vọng trong thời gian khó khăn, chúng ta luôn có tấm lòng tương thân tương ái theo truyền thống đất nước Việt Nam.
Đăng bởi: Trường Lê